LỊCH SỬ NGUỒN GỐC ÁO BÀ BA VIỆT NAM CẬP NHẬT MỚI NHẤT

22/02/2025

          Không biết tự bao giờ, hình ảnh chiếc áo bà ba đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Hễ nhắc đến áo bà ba là người ta lại nhớ ngay đến người dân Nam bộ nói riêng, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung. Thế nhưng câu chuyện về nguồn gốc của chiếc áo bà ba không phải ai cũng hiểu rõ. Có nhiều giả thiết, ý kiến về nguồn gốc của chiếc áo bà ba được đưa ra. Hôm nay, xin mời các bạn hãy cùng áo bà ba Nam Phương tìm hiểu các giả thiết về lịch sử nguồn gốc áo bà ba Việt Nam nhé!

          Lịch sử nguồn gốc áo bà ba Việt Nam từ xưa đến nay

          Trải qua chiều dài của lịch sử, chiếc áo bà ba truyền thống Việt Nam đã trở thành một nét đẹp văn hóa gắn liền với làng quê Nam bộ. Người phụ nữ Việt Nam mặc chiếc áo bà ba toát lên vẻ đẹp đôn hậu, hiền hòa và chân chất giống như chính tính cách vốn có của người dân Nam bộ.

Về nguồn gốc lịch sử của chiếc áo bà ba Việt Nam, có nhiều ý kiến, giả thiết khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây chính là một số ý kiến, giả thiết được nhiều người quan tâm, đồng tình nhất:

1. Áo bà ba xuất hiện từ thời nhà Hậu Lê

Cũng có một vài ý kiến cho rằng, áo bà ba xuất hiện từ thời nhà Hậu Lê vào khoảng năm 1442 – 1789 tại vùng Nam bộ và có sự tác động, ảnh hưởng trang phục của cộng đồng người Chăm.

ao ba ba mau den

2. Áo bà ba được cách tân từ áo của người dân đảo Penang - Malaysia

Có một số ý kiến cho rằng, vào thế kỷ XIX, chiếc áo bà ba đã du nhập vào miền Nam Việt Nam. Đây là trang phục được danh nhân văn hóa, nhà giáo dục học, ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) cách tân từ một kiểu áo của tộc người Bà Ba, tộc người Bà Ba sinh sống ở khu vực đảo Penang thuộc nước Malaysia sao cho phù hợp với vóc dáng, nếp sống sinh hoạt và văn hóa của người Việt lúc bấy giờ.

Theo nhà văn nhà văn, nhà báo Sơn Nam (1926 – 2008), trong cuốn “Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam” cũng quan niệm rằng, chiếc áo bà ba mà người dân Nam bộ ưa mặc, yêu thích, với kiểu vạt ngắn, không có bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba – một nhóm người Mã Lai lai Trung Hoa thời ấy. Cụ thể hơn, đó chính là kiểu trang phục của tộc người “BaBa”- một nhóm người Hoa sinh sống trên đảo Penang, thuộc Malaysia ngày nay. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người dân Nam bộ xưa thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là Áo Bà ba.

ao ba ba gam

Cũng tại buổi giao lưu văn hóa, nằm trong khuôn khổ Festival Áo Bà ba - Hậu Giang 2023 vừa qua, Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cũng cho rằng: Áo bà ba xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XIX, của cộng đồng người Mã Lai lai Hoa, được gọi là nhóm người Bà Ba. Trong quá trình giao lưu văn hóa, chiếc áo dần được người miền Nam ưa thích và mặc, từng bước cải thiết theo từng giai đoạn.

3. Áo bà ba là “áo đàn ông cổ tròn và cửa ống tay hẹp” thời Lê Quý Đôn

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, chiếc áo bà ba truyền thống của dân tộc ta lại có nét giống với chiếc “áo đàn ông cổ tròn và cửa ống tay hẹp” mà Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đã quy định cho người dân từ Thuận Quảng trở vào ở cuối thế kỷ XVIII.

ao ba ba gam mau do

4. Áo bà ba được cách tân từ kiểu áo lá và áo xá xẩu

Ngoài ra, cũng có quan niệm khác lại cho rằng, có thể là chiếc áo bà bam ang ảnh hưởng và được cách tân từ kiểu áo lá, áo xá xẩu của những người dân lao động Hoa ngày xưa. Loại áo này của công nhân lao động người Hoa thường được may bằng vải buồm đen, thiết kế kiểu áo xẻ giữa, cài nút thắt. Từ kiểu áo này, biến tấu một vài điểm như: nút thắt thay bằng cài khuy giữa, nút nhựa (do ảnh hưởng của phương Tây thời bấy giờ.

ao ba ba cach tan

5. Áo bà ba được cách tân từ áo vạt hò, áo dài xưa

Và một giả thiết được khá nhiều người đồng tình, công nhận chính là áo bà ba truyền thống Việt Nam được cách tân từ chiếc áo vạt hò/vạt miễn, áo dài thời xưa của dân tộc ta. Từ thời khai hoang, khẩn đất, người dân phương Bắc trong quá trình di cư vào phương Nam đã cách tân chiếc áo dài truyền thống thành bộ áo bà ba để phù hợp hơn với hoàn cảnh sống vùng sông nước, khí hậu nóng của miền Nam và thuận lợi cho quá trình lao động.

Nhà nghiên cứu văn hóa - TS Nguyễn Nam, giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam quan niệm về lịch sử, nguồn gốc của áo bà ba Việt Nam mang hơi hướng cổ tích rằng: Nhà vua dung từ “áo bà ba” để diễn tả áo dài nhưng có phần rách nát hơn, vá lưng và ngắn cũn cỡn, giống như của anh ngư dân nghèo, chiếc áo cũng trông giống với con ba ba. Còn về phần người dân thì thấy chiếc áo này khi mặc rất thuận tiện, xoay trở, vận động dễ dàng, không bị vướng víu nên thích mặc thường xuyên, thậm chí là lúc làm đồng, lao động hằng ngày. Vậy nên, từ đây chiếc áo này được gọi tên và nói trại là áo bà ba. Đồng thời, TS. Nguyễn Nam cũng khẳng định thêm: “Dù có lịch sử như thế nào, chiếc áo bà ba là chiếc áo của người Việt, cùng dân tộc trải qua nhiều thăng trầm và đến hôm nay, chiếc áo vẫn là niềm tự hào của người dân Nam bộ nói riêng và tôi chưa thấy dân tộc nào có trang phục giống áo bà ba”.

ao ba ba gam hoa

Soạn giả Nhâm Hùng - nhà nghiên cứu văn hóa ở Cần Thơ, cho rằng: Từ thời xa xưa, chiếc áo bà ba trong hình hài của những chiếc áo dài vạt lửng, nút vải thắt bên hông, nhưng theo thời gian, nó đã dần dần có sự biến đổi cả về kiểu dáng và màu sắc, chất liệu vải. Ban đầu, từ kiểu vạt hò nút thắt, dần dà biến đổi thành nút bấm ở giữa. Ban đầu, chất liệu vải chỉ đơn giản là có màu đen, vải thô bình dị, cả đàn ông và đàn bà đều mặc chất vải, kiểu dáng giống nhau nhưng về sau này chiếc áo bà ba đã được các quý tộc, địa chủ yêu thích và may bằng những chất liệu vải sang xịn hơn như lụa lèo, gấm vóc sang trọng.

Còn có ý kiến từ nhóm nghiên cứu khác, chiếc áo bà ba xuất phát từ áo vạt hò/vạt miễn của người nông dân thời xưa. Lúc bấy giờ, một số người theo đạo Hòa hảo muốn tạo nên sự khác biệt trong bổn đạo nên đã cắt bỏ đi phần vạt hò/vạt miễn và thêm vào 2 túi phía trước để dễ dàng đựng cuốn kinh của bổn đạo, quần là đáy nem và cả bộ bà ba đều có màu đen. Một thời gian sau, đạo Cao đài cũng may đồ bà ba theo kiểu này nhưng cả bộ là màu trắng, lót bên trong áo dài. Chất liệu vải lúc này còn đơn điệu như: vải ú, vải bố, vải tám, vải ong lãnh, vải sơn đầm, vải chéo go… Dần dà người dân đã chuyển sang mặc áo bà ba và biến tấu đẹp hơn cho đến ngày nay. Và người thợ may trong bổn đạo đầu tiên cải tiến chiếc áo bà ba có thứ ba, nên người ta gọi là áo bà ba.

ao ba ba may san

Tóm lại, cho dù lịch sử nguồn gốc áo bà ba có nhiều ý kiến, giả thiết khác nhau nhưng thực tế cho thấy hình ảnh chiếc áo bà ba đã trở thành trang phục truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt là người dân Nam bộ, có giá trị nhận diện cao trên toàn thế giới. Ngày nay, mặc dù âu phục phổ biến rộng rãi nhưng áo bà ba vẫn chiếm một vị trí đặc biệt không thể thay thế, giữ vững nét đẹp chân quê, mộc mạc.

Tin tức liên quan